Menu
  1. GIỚI THIỆU
  2. TIN TỨC
  3. KHÁM CHỮA BỆNH
  4. TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ
  5. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HTQT
  6. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO TUYẾN
  7. ĐÀO TẠO VÀ TẬP HUẤN
  8. VĂN BẢN NỘI BỘ

TIN TỨC TRONG NƯỚC

Tư vấn đặc biệt của Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam với VĐV tiêm vaccine COVID-19

Các VĐV, HLV các môn thể thao thành tích cao đã và đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19. PGs. Ts. bs. Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao có những tư vấn trong quá trình trước, trong và sau tiêm.

 

Webthethao: Tác dụng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với các HLV, VĐV trước khi tham dự các giải đấu như thế nào, thưa bác sĩ?

PGs. Ts. Bs.Võ Tường Kha: Khi cơ thể bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt bằng cách tạo ra kháng thể chống lại virus, vi khuẩn đó. Nhiễm vi khuẩn, virus còn tạo ra tế bào lympho T nhớ, lympho B ghi nhớ để chống lại virus, vi khuẩn lần sau xâm nhập vào cơ thể. 

Kháng thể, tế bào lympho T nhớ cùng đại thực bào, bạch cầu tạo thành “đội quân” bảo vệ cơ thể đối với lần xâm nhập sau của virus, vi khuẩn đó. Vi khuẩn và virus là kháng nguyên tự nhiên. 

Nếu một cộng đồng có nhiều người bị nhiễm virus, vi khuẩn tự nhiên thì từng cá thể của cộng đồng đó tạo ra kháng thể để cá thể đó nhiễm với bệnh lý gây ra do vi khuẩn, virus. Hiện tượng này gọi là miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Tuy nhiên,  từ lâu các nhà khoa học đã giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng do con người can thiệp bằng cách tiêm vaccine.

Vaccine là gì? Vaccine là sản phẩm sinh học được chế tạo từ virus hoặc vi khuẩn bị bất hoạt, bị giảm độc lực hoặc bị gây chết. Đó chính là kháng nguyên. Khi cơ thể được tiêm kháng nguyên (vaccine) này vào thì kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus, vi khuẩn. Cũng như kháng nguyên tự nhiên, vaccine còn tạo ra tế bào lympho T nhớ, lympho B ghi nhớ để bảo vệ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập.

Các VĐV, HLV thể thao thành tích cao đã và đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tuy vậy, tiêm vaccine phải đúng chỉ định, đúng quy trình kỹ thuật, đủ liều, phải có đủ thời gian thì cơ thể mới sinh ra kháng thể. Hiện nay, vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 có nhiều hãng sản xuất như hãng Pfizer-BioNTech, hãng Moderna, hãng Johnson & Johnson, hãng AstraZeneca....

Thông thường có vaccine tiêm một mũi và thường để có thể tạo ra kháng thể đủ đáp ứng phòng vệ cơ thể thì phải sau 2-3 tuần kể từ khi tiêm. Có những loại vaccine tiêm hai mũi và hai mũi cách nhau 8-12 tuần, khi đạt đủ hai liều thì mới đủ khả năng để kích thích cơ thể tạo ra hệ thống miễn dịch phòng chống tác nhân gây bệnh.

Ví dụ: vaccine Pfizer-BioNTech gồm hai liều, tiêm cách nhau khoảng 21 ngày, vaccine Moderna gồm hai liều, tiêm cách nhau khoảng 28 ngày, vaccine Johnson & Johnson chỉ tiêm một liều. Cả ba loại vaccine này đều mất khoảng 14 ngày sau khi tiêm mũi cuối cùng để cơ thể bắt đầu có thể chống lại virus gây ra COVID-19 một cách hiệu quả. 

Những ảnh hưởng, nguy cơ nào mà các VĐV, HLV có thể gặp phải sau khi tiêm?

- Tiêm vaccine có thể tác dụng phụ tại chỗ như viêm đau, sưng tấy hay ngứa; đối với toàn thân, có thể có biểu hiện giống như nhiễm cúm virus nhẹ như sốt, đau đầu, đau các cơ bắp, mệt mỏi, uể oải hay ngứa toàn thân, buồn nôn; trường hợp hiếm gặp, diễn biến nặng nhất gây như có biểu hiện khó thở, trụy mạch... phải cấp cứu do cơ thể dị ứng với thành phần nào đó của vaccine. Thông thường các phản ứng sau khi tiêm vaccine chỉ xảy ra sau 1-2 ngày rồi dần dần mất đi.

Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam Võ Tường Kha đưa ra những tư vấn bổ ích với các VĐV, HLV trong quá trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Các VĐV, HLV cần lưu ý những gì sau khi tiêm?

- Đối với VĐV, HLV thì phải tiêm đủ liều tùy loại vaccine. Đối với các trường hợp từng nhiễm Sars-Cov-2, thường sau 90 ngày mới được tiêm. Hiện nay, các tổ chức y tế khuyến cáo sau 6 tháng mới được tiêm vì do tình trạng vaccine khan hiếm, Nhà nước dành các liều vaccine cho những đối tượng ưu tiên hơn. Cơ thể đã từng nhiễm Sars-Cov-2 vẫn phải tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 vì khi nhiễm Sars-Cov-2 thì có thể tạo ra kháng thể miễn dịch cho cơ thể nhưng miễn dịch này sẽ mất đi theo thời gian nên buộc phải tiêm lại để phòng ngừa.

Sau khi tiêm phải đủ thời gian, thông thường 2-3 tuần sau liều tiêm cuối cùng thì VĐV mới được tham gia các hoạt động của cộng đồng vì lúc đó cơ thể mới đáp ứng an toàn phòng chống dịch COVID-19. Nếu vừa tiêm xong, có thể gây ra phản ứng phụ, tác dụng phụ và hệ thống miễn dịch cơ thể chưa sinh kháng thể đủ để phòng chống Sars-Cov-2 xâm nhập, lúc này chúng ta nhầm với triệu chứng nhiễm Sars-Cov-2.

Nếu có phản ứng tại chỗ, nên chườm mát, xoa bóp nhẹ sẽ tan. Nếu phản ứng phụ toàn thân thì tăng cường dinh dưỡng, nước uống và các vitamin, vi khoáng, vi lượng; có thể hạ sốt bằng các thuốc chống cảm cúm như paracetamol, Ameflu, Tify…

Dù đã được tiêm vaccine nhưng khi tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động thi đấu, tập luyện thể dục thể thao, VĐV vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K do Bộ Y tế đã ban hành và 9 khuyến cáo do Tổng cục Thể dục thể thao ban hành, tuyệt đối không được chủ quan.

Cảm ơn PGs. Ts. Bs.Võ Tường Kha về cuộc trao đổi này!

Theo webthethao.vn

Print
1797 Đánh giá tin bài:
Hiện chưa có đánh giá
Please login or register to post comments.
Back To Top